Câu hỏi:
Có người nói rằng, mẹ bị viêm gan siêu vi B hoặc viêm gan siêu vi C thì không nên cho con bú sữa mẹ. Em rất mong được cho bé bú mẹ hoàn toàn, nên điều này làm em rất hoang mang, vì em là người mang bệnh viêm gan B, nhưng không cần điều trị. Chị có thể giải thích rõ cho em được không?
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjCxD-K6-t14Oh5C67t-Pc2b0EYyuXI03BdVXVK5ruQqhqswRkQTIO9DGRhKYUfphahfPGf81TLlDG0EHecW_SNqM6He9AYUkHe6ahg3L9j1zjgimSb_zF5J6qqaRo-MrjSTcgmEFeKItY/s640/47.jpg)
Trả lời:
Đây cũng là mối quan tâm của rất nhiều bà mẹ. Có những bà mẹ chị biết còn quyết định không cho con bú mẹ ngay từ đầu để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh từ mẹ sang con. Tuy nhiên, cách tiếp cận này, thật sự không cần thiết và không nên làm.
Từ khi có phát minh vaccine ngừa viêm gan B, miễn dịch thụ động chống lại viêm gan siêu vi B, đã giúp giảm nguy cơ bị lây nhiễm viêm gan B từ mẹ qua con, từ nguy cơ rất cao, trên 90% xuống rất thấp, chỉ còn 5-10% nguy cơ lây bệnh mà thôi. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nguy cơ lây nhiễm cao nhất từ việc tiếp xúc với dịch và máu của mẹ khi sinh, theo đường âm đạo (sinh tự nhiên), hoặc mổ lấy con.
Khi phân tích mẫu sữa mẹ của các mẹ mang bệnh, một số mẫu sữa mẹ có chứa kháng nguyên của viêm gan B, có nghĩa là có tiềm năng chứa siêu vi viêm gan B gây bệnh.
Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con, qua đường bú mẹ trực tiếp, thật sự rất thấp. Ngay cả trước khi vaccine viêm gan B được phát minh và ứng dụng cũng chưa thấy có báo cáo về việc bị viêm gan B qua đường bú mẹ. Việc tiêm vaccine viêm gan B trong những ngày đầu sau sinh cũng có thể bảo vệ giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh đến mức tối thiểu qua đường bú mẹ. Các chuyên gia và các tổ chức y khoa lớn đều đồng thuận khuyến cáo, mẹ bị viêm gan siêu vi B nên cho con bú mẹ càng sớm càng tốt, ngay cả trước khi con được chích ngừa viêm gan B, để trẻ có thể được hưởng những lợi ích tối ưu từ việc bú mẹ hoàn toàn. Đồng thời cũng khuyến cáo, trẻ có mẹ mang bệnh viêm gan B, cần được chích ngừa vaccine viêm gan B, liều đầu tiên lý tưởng trong 24-48 giờ đầu sau sinh và cần được hoàn thành liệu trình vaccine viêm gan B trong 6 tháng đầu đời, để có thể bảo vệ tối ưu.
Đối với những cơ sở y tế có được miễn dịch thụ động cho viêm gan B trẻ cũng nên được xem xét chích loại miễn dịch thụ động này. Tuy nhiên, trong những trường hợp nếu đầu vú bị nứt, chảy máu hoặc nếu vú mẹ có những bệnh lý gây chảy dịch bất thường, các chuyên gia cũng khuyên mẹ nên thận trọng vì có thể là nguy cơ phơi nhiễm bệnh cho trẻ.
Viêm gan siêu vi C là một câu chuyện hơi khác biệt, vì hiện nay vẫn chưa có vaccine tiêm ngừa viêm gan C. Bên cạnh đó, nguy cơ lây nhiễm trực tiếp từ mẹ sang con, trong và sau khi sinh rất thấp, khoảng 4% mà thôi, và cơ chế lây nhiễm của viêm gan C, cơ bản là qua tiếp xúc với máu nhiễm bệnh, chứ không phải là các dịch đơn thuần khác của con người. Khi mẹ mang bệnh viêm gan C, sữa của người mẹ này có thể có chứa virus viêm gan C và cũng như viêm gan B, chưa có một trường hợp lây nhiễm viêm gan C qua đường bú mẹ nào được báo cáo. Một giả thuyết được đưa ra để giải thích hiện tượng này, là có thể khi trẻ bú sữa mẹ, sữa mẹ sẽ vào dạ dày trẻ và các acid trong dạ dày làm bất hoạt các siêu vi viêm gan C có trong sữa mẹ. Chính vì vậy, các tổ chức cũng đưa ra khuyến cáo, khuyến khích mẹ nên xem xét việc cho trẻ có cơ hội bú mẹ hoàn toàn, khi mẹ bị viêm gan C. Tuy nhiên, nếu vú hoặc đầu vú của mẹ bị nứt nẻ, chảy máu, mẹ nên ngưng hẳn việc cho con bú mẹ tạm thời. Trong thời gian này, mẹ nên xem xét việc vắt sữa mẹ nhưng bỏ đi. Đến khi vú hoặc đầu vú lành hẳn, không nứt, không chảy máu nữa hoặc đến khi đợt viêm gan C cấp đã ổn định hoàn toàn, mẹ có thể cho con bú lại bình thường không cần lo ngại.
Trong trường hợp mẹ bị một đợt viêm gan cấp do siêu vi B hoặc C, nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con có thể cao hơn, vì lúc này, siêu vi viêm gan hoạt động mạnh và sinh sôi nhiều. Đồng thời, mẹ có thể cần phải sử dụng các thuốc đặc hiệu để điều chỉnh đợt cấp tính này, thì cần chống chỉ định cho việc con bú mẹ. Vì vậy, mẹ nên tư vấn với bác sĩ điều trị kĩ càng, trước khi quyết định có nên tiếp tục cho con bú mẹ trong thời gian nhạy cảm này hay không.
Tất cả trong đại đa số các trường hợp mẹ bị viêm gan B hoặc viêm gan C đều có thể và rất nên cho con bú mẹ hoàn toàn, càng sớm càng tốt, để trẻ được hưởng những lợi ích tuyệt vời từ sữa mẹ. Chỉ có một số lưu ý nhỏ hoặc các hoàn cảnh đặc biệt thông thường gặp, mẹ mới cần tạm ngưng cho con bú mẹ mà thôi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét